Tại Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm,” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 18/12, các ý kiến thống nhất, chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ để nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp nặng thông qua chương trình cơ khí trọng điểm là hết sức đúng đắn.
Mục tiêu của chiến lược phát triển ngành cơ khí là đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 – 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, đến nay, ngành cơ khí mới đáp ứng được 34,5% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2 – 3 thế hệ so với khu vực.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, các chính sách ưu đãi phát triển dành cho ngành cơ khí trọng điểm vẫn còn nhiều bất cập: “Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, nhiều cơ chế chính sách cho phát triển cơ khí, song ách tắc ở khâu thực hiện nên DN cơ khí không hưởng được các cơ chế chính sách ấy”.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo đó, 11/24 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thụ, trong số 11 dự án, chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký Hợp đồng tín dụng vay vốn. Tổng Hợp đồng tín dụng đã ký cho 3 dự án này là 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% tổng hợp đồng tín dụng đã ký.