Xây dựng và phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị cơ khí trong nước là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, chế biến nông sản từ đó nâng cao năng lực cạnh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo cơ khí nông nghiệp thông minh cho Đồng bằng sông Cửu Long do UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 27/9.
Tiến sĩ Trần Anh Sơn, Phó trưởng khoa Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ thay đổi một cách căn bản cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, các mô hình nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Điển hình là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo quy hoạch và bảo quản nông sản chưa tốt. Vì vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm không đồng đều, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.